GS.TS. Nguyễn Đông Phong: “Công nghệ & Thiết kế là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế”
GS.TS. Nguyễn Đông Phong – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) với tư cách là Chủ tịch danh dự Hội thảo Khoa học Quốc tế “Resilience by Technology and Design RTD 2022” đã đánh giá vai trò quan trọng của các giải pháp công nghệ, thiết kế và đổi mới sáng tạo trong việc tạo động lực phục hồi và tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
GS.TS. Nguyễn Đông Phong – Chủ tịch Hội đồng trường, Chủ tịch danh dự Hội thảo khoa học quốc tế RTD
PV: Sau gần một năm đại dịch Covid-19, ông đánh giá như thế nào về những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế Việt Nam? Đâu là động lực cho sự phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh mới?
GS. Nguyễn Đông Phong: Chúng ta thấy rằng, 2022 chính là thời gian quan trọng diễn ra quá trình thích ứng và phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau một thời gian bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các quốc gia châu Á không bị ảnh hưởng quá nặng nề của tình trạng suy giảm kinh tế sau đại dịch. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của chúng ta vào khoảng 5.5% trong năm 2022.
Thực tế đến nay, tốc độ tăng GDP đạt 5,03% trong quý I/2022 và 7,72% trong quý II/2022 – tăng trưởng cao hơn cùng kỳ 2020-2021. Đà tăng trưởng đó sẽ là sức bật phục hồi tích cực cho nền kinh tế trong các quý còn lại của năm. Tôi cho rằng, đó là một điều diễn ra tự nhiên, vốn có của các hoạt động kinh tế – xã hội sau thời gian phải đột ngột đình trệ. Do vậy sau thời gian dồn nén, thì bùng nổ và hồi phục là điều dễ hiểu, đặc biệt là những quốc gia có dư địa tăng trưởng tốt trước đó, như Việt Nam.
Tuy nhiên, đại dịch cũng là một phép thử quan trọng để thấy rõ các nguy cơ, thách thức và điểm yếu của nền kinh tế, đồng thời giúp chúng ta nhìn ra tiềm năng, cơ hội cho bước phát triển trong bối cảnh mới.
Nhưng điều quan trọng nhất mà tôi muốn nhấn mạnh rằng chính đổi mới sáng tạo, gắn liền với tư duy thiết kế, ứng dụng các công nghệ mới là động lực cho phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.
GS.TS. Nguyễn Đông Phong phát biểu tại một sự kiện quốc tế do trường Công nghệ và Thiết kế UEH tổ chức
PV: Trước yêu cầu phát triển mới của xã hội và nền kinh tế, ông nhận định như thế nào về vai trò của Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH), trong việc thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và đề xuất các giải pháp cho phát triển?
GS. Nguyễn Đông Phong: Từ năm 2020, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) đã có bước chuyển mình quan trọng: trở thành trường Đại học đa ngành và bền vững, phát huy ưu thế về đào tạo, nghiên cứu, trong đó “Nghiên cứu vì lợi ích cộng đồng – Research Contribution for All” là trụ cột cho chiến lược phát triển UEH đa ngành và bền vững.
UEH đặt ra sứ mệnh mới là phát triển hướng đến công nghệ, đổi mới sáng tạo và các giải pháp thông minh cho cộng đồng và tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, nắm vững về kiến thức kinh tế và am tường công nghệ, cũng như tư duy đổi mới sáng tạo.
Việc thành lập Trường Công nghệ và Thiết kế UEH (UEH College of Technology and Design – CTD) là nền móng vững chắc để giúp UEH hiện thực hóa những nghiên cứu, đề xuất của mình để đóng góp và phát triển cho nền kinh tế – xã hội tại Việt Nam. Đặc biệt, trong năm 2022 này, Trường Công nghệ và Thiết kế UEH lần đầu tiên đứng ra tổ chức một Hội thảo Khoa học Quốc tế “Resilience by Technology and Design – RTD” với chủ đề “Smart Living”, kỳ vọng không chỉ mang đến giá trị khoa học mà còn có tính thực tiễn và ứng dụng cao.
Các nhà khoa học, chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến công nghệ, giảng viên, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ trình bày, chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới, triển lãm các giải pháp và sản phẩm về công nghệ, thiết kế và đổi mới sáng tạo xoay quanh vấn đề cốt lõi là động lực cho sự phát triển bền vững trong tương lai như: Thiết kế khả năng phục hồi trong kiến trúc và đô thị thông minh; Công nghệ phục hồi; Thiết kế và công nghệ hướng đến sự đồng nhất và Đổi mới sáng tạo – thúc đẩy sự chuyển dịch sang các cộng đồng có khả năng phục hồi.
Dựa trên các kết quả nghiên cứu này mà tôi tin rằng, chỉ có công nghệ, thiết kế và đổi mới sáng tạo mới là động lực phục hồi và tăng trưởng trong kỷ nguyên mới.
Sự kiện thành lập Trường Công nghệ và Thiết kế UEH
PV: Ông có thể giới thiệu đôi nét về Hội thảo Khoa học Quốc tế RTD, cũng như những chủ đề chính mà hội thảo hướng tới?
GS. Nguyễn Đông Phong: Hội thảo Khoa học Quốc tế “Resilience by Technology and Design”, còn gọi là Hội thảo RTD, là một diễn đàn khoa học trao đổi về việc tăng cường khả năng phục hồi cho cộng đồng thông qua các ứng dụng Công nghệ và Thiết kế, lấy con người làm trung tâm, nhằm hướng đến một tương lai phát triển bền vững.
Ngoài ra, hội thảo còn mở ra cơ hội để các học giả, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trao đổi, hợp tác, chuyển giao khoa học, kỹ thuật – công nghệ và phát triển các giải pháp công nghệ và thiết kế, cũng như chia sẻ các thành quả nghiên cứu, liên kết cộng đồng khoa học trên toàn thế giới thông qua 4 chủ đề quan trọng: Thiết kế bền vững trong kiến trúc và đô thị; Giải pháp khoa học và công nghệ hỗ trợ phục hồi, phát triển bền vững; Thiết kế và công nghệ hướng đến sự đồng nhất; Đổi mới sáng tạo thúc đẩy sự chuyển dịch sang các cộng đồng bền vững.
Ngoài các chuyên gia, nhà nghiên cứu của Việt Nam, hội đồng Khoa học của Hội thảo RTD 2022 còn có sự tham gia của hơn 30 đối tác thành viên là các tổ chức, trường Đại học, Viện nghiên cứu đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, Thái Lan, Ý và Pháp.
Hội thảo Khoa học Quốc tế RTD 2022 – Smart Living đóng góp thiết thực cho việc phát triển cộng đồng văn minh, hiện đại, thông minh và bền vững
PV: Ông kỳ vọng những kết quả gì mà Hội thảo RTD lần này mang lại?
GS. Nguyễn Đông Phong: Với quyết tâm của đội ngũ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, hội đồng khoa học và ban tổ chức hội thảo, tôi khẳng định hội thảo RTD lần này sẽ không chỉ mang tính học thuật quốc tế và chất lượng của các nghiên cứu đến từ trong và ngoài nước, mà còn mang lại những giải pháp, ứng dụng công nghệ gắn liền với thực tế, hướng đến các giải pháp căn cơ, bền vững để giải quyết các vấn đề phát triển của nước ta, tạo sức bật mới.
Tôi tin rằng, đây là dịp để lan tỏa tri thức, truyền cảm hứng sáng tạo, đồng thời chuyển giao những nghiên cứu, công cụ, giải pháp về công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm tăng cường sự linh hoạt, khả năng thích ứng, hướng đến một cuộc sống thông minh và một cộng đồng bền vững trong bối cảnh của một thế giới nhiều biến động.
PV: Xin cám ơn Giáo sư!
Tin, ảnh: Phòng Marketing – Truyền thông